Phần mở đầu cuốn sách
TỪ CÂU CHUYỆN BẢN THÂN
Hồi mới đi làm tư vấn, khi thương thảo hợp đồng qua email với đối tác Reuters, tôi nhận được câu trả lời của phía họ như thế này:
The attached is the final agreement advised by our legal counsel. Only three of your suggested changes cannot be included as clarified below…
Tạm dịch:
Dưới đây là bản thảo cuối cùng của hợp đồng đã được luật sư của chúng tôi xem xét. Chỉ có ba thay đổi phía các bạn đề xuất là không được đưa vào và chúng tôi xin giải thích như sau…
Câu trả lời ngắn gọn của đối tác đã thực sự gây ấn tượng đối với tôi. Nó ngắn gọn nhưng đầy đủ thông tin và đặc biệt rất hiệu quả. Chỉ với những lời này, người viết đã đạt được một lúc cả ba mục tiêu: (i) bác bỏ ý kiến của tôi, (ii) không làm tôi mếch lòng, và (iii) tỏ ý muốn chấm dứt việc thương thảo ở đây để đi đến ký kết.
Thực tế là họ đã bác bỏ ý kiến của tôi. Vì những gì tôi đề xuất thay đổi trong dự thảo hợp đồng là không nhiều. Và ba điểm mà họ không đồng ý lại chính là những điểm đáng kể nhất. Vậy nhưng họ vẫn nói: “Chỉ có ba thay đổi phía các bạn đề xuất là không được đưa vào đây.” Họ thể hiện rằng họ rất trân trọng ý kiến của tôi, và họ chấp nhận tất cả chỉ trừ ba ý. Với ba ý này, họ cũng không nói là “không chấp nhận” (“not accepted”) mà chỉ nói “không đưa vào” (“not included”), làm cho vấn đề trở nên nhẹ nhàng hơn. Vì vậy, dù họ bác bỏ nhưng lại khiến tôi không thể mếch lòng. Họ cũng thể hiện được vị thế của họ và cho thấy ý muốn chấm dứt việc thương thảo ở đây, thông qua cách diễn đạt rằng đó là “bản thảo cuối cùng”.

Trải nghiệm này giúp tôi ý thức được quyền lực của ngôn ngữ, điều mà sau này, khi đọc cuốn Effective Legal Writing của Frank E Cooper và gặp câu viết của tác giả: “Ngôn ngữ là công cụ làm việc của luật sư.”[1], tôi mới nhận ra rằng đó là một chân lý hiển nhiên trong nghề luật. Ngôn ngữ thực sự có sức mạnh và nếu biết khai thác nó, công việc của chúng ta sẽ hiệu quả hơn nhiều
Hồi chuẩn bị sang nước ngoài làm tiến sĩ, tôi được cho một tháng luyện tập để nâng điểm viết Ielts từ 5.5 lên 7.0 – đây là yêu cầu đầu vào đối với nghiên cứu sinh ngành luật ở nhiều trường đại học lớn ở nước ngoài. Thực tế là tôi đã đạt được 8.0 sau một tháng. Điều đó đã đưa tôi đến một ý nghĩ sai lầm rằng viết tiếng Anh cũng là việc đơn giản. Nhưng hoá ra những năm tháng du học của tôi lại gắn liền với quá trình rèn luyện kỹ năng viết để có thể đáp ứng yêu cầu của một luận án tiến sĩ chuyên ngành luật học. Tôi cũng có cơ hội tiếp cận nhiều hơn các tài liệu về kỹ năng viết và nhận ra rằng viết là một kỹ năng rất được chú trọng trong đào tạo luật ở nước ngoài. Xác định được tầm quan trọng của ngôn ngữ đối với nghề luật nói chung và với luật sư nói riêng, các trường luật và các chuyên gia pháp luật rất chú trọng cung cấp các khoá học, các bài hướng dẫn, luyện tập và hỗ trợ để sinh viên có thể nâng cao khả năng viết của mình. Điều này, có thể nói, khá thiếu vắng trong trường luật thời tôi đi học. Sinh viên có thể rất thạo đọc luật và hiểu luật, nhưng để từ hiểu luật viết thành một văn bản tốt, phục vụ hiệu quả cho công việc là cả một khoảng cách dài.
Những trải nghiệm của bản thân cùng những kiến thức học được đã thôi thúc tôi viết cuốn sách này, với mong muốn chia sẻ những kỹ năng cơ bản mà những người hành nghề luật cần. Nếu bạn muốn hình dung được các phương diện làm việc của người làm nghề luật, đặc biệt là luật sư, những sản phẩm cụ thể mà người làm nghề luật tạo ra trong công việc của mình, những kỹ năng cơ bản để tạo ra những sản phẩm đó một cách chuyên nghiệp, được minh họa bởi những ví dụ thực tế, cuốn sách này là dành cho bạn. Không chỉ giúp bạn tự tin khi bước chân vào thế giới của người làm nghề luật, cuốn sách này kỳ vọng sẽ giúp bạn tư duy theo cách tư duy của nghề luật. Viết không chỉ đơn thuần là viết. Viết là tư duy. Khi bạn rèn luyện kỹ năng viết, bạn đang trau dồi năng lực tư duy của mình.
ĐẾN MỤC TIÊU VIẾT SÁCH VÀ CÂU HỎI CUỐN SÁCH NÀY CÓ ÍCH CHO AI
![Phan Vui] Bí quyết hoàn thành mọi mục tiêu trong bán hàng](https://pfn.vn/sites/default/files/2019-12/cach-hoan-thanh-muc-tieu-trong-ban-hang.png)
Cuốn sách này được viết trước hết với mong muốn giúp những người mới bước vào nghề luật làm quen với những yêu cầu cơ bản trong soạn thảo văn bản. Những người hành nghề luật có kinh nghiệm cũng có thể sử dụng nó làm tài liệu đào tạo cho nhân viên hoặc tài liệu tham khảo trong quá trình hành nghề.
Các mục tiêu trọng tâm mà cuốn sách này hướng tới là:
- Chia sẻ những kỹ năng cơ bản để soạn thảo những văn bản có tính chuyên nghiệp và hiệu quả cho người hành nghề luật ở những vị trí công việc khác nhau;
- Giúp những người mới hành nghề luật hình dung được các loại việc chính của hành nghề luật và cách thức thực hiện chúng, mang lại sự tự tin cho những người hành nghề ở giai đoạn khởi đầu nghề nghiệp, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian cho những người hành nghề luật lâu năm trong việc đào tạo, bồi dưỡng người mới bước chân vào nghề;
- Giúp phát triển kỹ năng tư duy và kỹ năng giao tiếp của người hành nghề luật thông qua công việc soạn thảo văn bản.
Ngoài ra, thông qua mục tiêu trên, cuốn sách cũng giúp những người làm công việc văn phòng nói chung nắm được những kỹ năng cần thiết về soạn thảo văn bản.
Bạn có thể thấy các văn bản của luật sư chiếm một dung lượng đáng kể trong cuốn sách. Không có sự thiên vị, nội dung cuốn sách thể hiện một thực tế là các văn bản nghiệp vụ mà luật sư cần soạn thảo đa dạng hơn và những người chưa tham gia vào các văn phòng luật sư chuyên nghiệp khó có thể hình dung được hệ thống này. Trong khi đó, các văn bản nghiệp vụ của những người hành nghề luật khác (như công chứng viên, thừa phát lại…)[2] thường phải tuân theo các biểu mẫu do nhà nước ban hành. Điều này thu hẹp phạm vi sáng tạo, nhưng cũng giúp những người làm các nghề luật khác dễ dàng hơn trong tiếp cận các chuẩn mực nghề nghiệp. Kỹ năng viết đối với những nghề này, bên cạnh những yêu cầu đặc thù, sẽ sử dụng nhiều những kỹ năng viết văn bản của luật sư cùng với những kỹ năng chung về viết văn bản. Cuốn sách này cũng dành phần đáng kể để cung cấp các thông tin về kỹ năng soạn văn bản nói chung. Nhờ đó, nó không chỉ có ích cho những người hành nghề luật mà cả những người làm công việc có liên quan đến soạn thảo văn bản và những người làm kinh doanh.
Đối với người làm văn phòng
Bạn sẽ tìm thấy ở cuốn sách này các kỹ năng soạn thảo văn bản cơ bản cũng như cách thức soạn thảo những văn bản thường xuyên sử dụng trong hoạt động văn phòng như thư từ giao dịch trên bản giấy, email, báo cáo, biên bản và các tài liệu nội bộ khác.
Đối với người làm kinh doanh
Cuốn sách này sẽ mang lại cho bạn những kiến thức quan trọng để hỗ trợ bạn khi làm việc với đối tác, đặt biệt là những kiến thức về các điều khoản cụ thể trong các hợp đồng tiếng Anh và tiếng Việt, các kiến thức về soạn thảo thư từ giao dịch và các văn bản làm việc khác như biên bản, báo cáo.
Đối với luật sư
Như trên đã đề cập, ngoài những kỹ năng chung về viết văn bản, các luật sư còn được thông tin về hệ thống các văn bản nghiệp vụ mà luật sư cần soạn thảo trong hoạt động nghề nghiệp của mình và cách soạn thảo chúng. Các văn bản này không có mẫu nhưng thực tiễn hành nghề đã làm hình thành nên những chuẩn mực chung về soạn văn bản cũng như những kỹ năng cần thiết mà luật sư cần biết để đảm bảo tính chuyên nghiệp cũng như hiệu quả công việc.
Đối với công chứng viên, thừa phát lại
Khác với luật sư, những người hành nghề luật khác như công chứng viên, thừa phát lại… được nhà nước trao một số thẩm quyền về mặt tư pháp. Vì vậy, nhà nước cũng đặt ra biểu mẫu dành cho những văn bản chuyên môn mà người hành nghề trong lĩnh vực này soạn thảo để thực thi thẩm quyền được trao. Chẳng hạn mẫu lời chứng của công chứng viên, mẫu vi bằng của thừa phát lại… Cuốn sách này bổ sung các kỹ năng viết mà những người hành nghề luật khác trong khu vực tư cần có để có thể áp dụng hiệu quả các biểu mẫu đã có cũng như soạn thảo các loại văn bản khác cần thiết cho triển khai công việc.
Đối với những người làm nghề luật khác
Cuốn sách này chưa có tham vọng cung cấp những kỹ năng đặc thù về viết văn bản cho những người hành nghề luật khác trong khu vực tư cũng như chưa có hướng dẫn cho những người làm nghề luật trong khu vực công.[3] Tuy nhiên, ngay cả khi không tìm thấy những hướng dẫn riêng cho mình, bạn vẫn sẽ cần những kỹ năng chung về soạn thảo văn bản được cung cấp ở những bài đầu của cuốn sách cũng như kỹ năng soạn thảo các văn bản phục vụ công việc (thư từ giao dịch, email, biên bản, báo cáo). Bên cạnh đó, kỹ năng soạn thảo các văn bản chuyên biệt của luật sư, công chứng viên, thừa phát lại mang đến những kiến thức về cách thức áp dụng pháp luật cũng như tư duy pháp lý. Đây là những kiến thức hết sức quan trọng cho người làm nghề luật ở bất kỳ vị trí nào.
Đối với những người học luật và chưa bước chân vào hoạt động nghề nghiệp
Cuốn sách này thực sự dành cho bạn. Không chỉ giúp chuẩn bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp tương lai, sách còn giúp bạn hình dung được về hệ thống các nghề luật để từ đó có thể đưa ra cho bản thân sự lựa chọn phù hợp. Nếu có kế hoạch du học ở các nước nói tiếng Anh, việc làm quen với viết văn bản tiếng Anh thông qua cuốn sách sẽ là một sự chuẩn bị vô cùng hữu ích.

VÀ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CUỐN SÁCH
Tác giả đã viết cuốn sách này dựa trên kinh nghiệm thực tiễn có được trong giai đoạn làm tư vấn luật, từ trao đổi thông tin với các luật sư, luật gia, người làm kinh doanh và kiến thức có được từ các khoá học ở trong và ngoài nước cũng như từ công việc nghiên cứu pháp luật hàng ngày. Một số luật sư, chuyên gia pháp lý không chỉ trao đổi mà còn dành thời gian đọc và nhận xét cho bản thảo cuốn sách này. Những đóng góp quý báu đó đã giúp cho cuốn sách này hoàn thiện hơn rất nhiều so với bản thảo ban đầu.
Cuốn sách, ngoài phần Mở đầu và Dẫn nhập, được chia thành hai phần chính là A. Kỹ năng viết văn bản tiếng Việt và B. Kỹ năng viết văn bản tiếng Anh. Sự phân chia này không có nghĩa là bạn chỉ cần đọc Phần B khi cần viết tiếng Anh. Có nhiều điểm chung trong soạn thảo văn bản của người hành nghề luật, dù là tiếng Anh hay tiếng Việt. Vì vậy, các thông tin trong phần Kỹ năng viết văn bản tiếng Việt nên được sử dụng như là những thông tin nền cho việc soạn thảo văn bản. Đó cũng là lý do mà chúng tôi dành dung lượng cho phần kỹ năng viết văn bản tiếng Việt nhiều hơn so với phần Kỹ năng viết văn bản tiếng Anh. Phần Kỹ năng viết văn bản tiếng Anh chủ yếu cung cấp kỹ năng để giúp bạn vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, từ đó tiếp cận dễ dàng với các văn bản tiếng Anh khác nhau mà người hành nghề luật (chủ yếu là luật sư) thường soạn khi làm việc. Thông tin trong phần Kỹ năng viết văn bản tiếng Anh, ngược lại, cũng sẽ là nguồn tham khảo tốt cho việc soạn thảo văn bản tiếng Việt.
Các nội dung của cuốn sách được cấu trúc như sau:
Phần A. KỸ NĂNG VIẾT VĂN BẢN TIẾNG VIỆT, bao gồm:
- CHƯƠNG A.I: Hướng dẫn về thể thức văn bản
- CHƯƠNG A.II: Sử dụng ngôn ngữ trong văn bản
- CHƯƠNG A.III: Các bước soạn thảo văn bản
- CHƯƠNG A.IV: Kỹ năng viết bản phân tích pháp lý
- CHƯƠNG A.V: Kỹ năng viết bản tranh luận
- CHƯƠNG A.VI: Kỹ năng soạn thảo hợp đồng
- CHƯƠNG A.VII: Kỹ năng soạn thảo văn bản pháp lý nội bộ
- CHƯƠNG A.VIII: Kỹ năng soạn thảo thư từ giao dịch, email, biên bản cuộc họp, báo cáo
- CHƯƠNG A.IX: Kỹ năng soạn thảo vi bằng, văn bản công chứng
Phần B. KỸ NĂNG VIẾT VĂN BẢN TIẾNG ANH, bao gồm:
- CHƯƠNG B.I: Viết văn bản tiếng Anh: Khó, dễ và cách khắc phục
- CHƯƠNG B.II: Viết bản phân tích pháp lý bằng tiếng Anh
- CHƯƠNG B.III: Viết bản tranh luận tiếng Anh
- CHƯƠNG B.IV: Viết hợp đồng tiếng Anh
- CHƯƠNG B.V: Viết thư từ giao dịch tiếng Anh
Ngoài ra, Phụ lục cuốn sách cung cấp bản dịch tiếng Việt một số thư giao dịch tiếng Anh, bản phân tích pháp lý tiếng Anh, bản tranh luận tiếng Anh và một bảng mục các từ viết tắt thường sử dụng trong email tiếng Anh.
Mong rằng bạn sẽ thấy cuốn sách này hữu ích.
[1] Nguyên văn: “Words are the tools of the lawyer’s trade”, xem Frank E. Cooper: Effective Legal Writing, Literary Licensing, LLC (2012), tr. 2.
[2] Người hành nghề luật mà cuốn sách này hướng tới là những người hành nghề ở khu vực tư. Khái niệm người hành nghề luật nói chung bao hàm cả khu vực công và khu vực tư và phạm vi các loại văn bản nghiệp vụ của cả hai nhóm này rất rộng, cuốn sách này chưa đủ khả năng để đề cập.
[3] Thông tin về những nghề luật trong khu vực công và khu vực tư được trao đổi kỹ hơn ở phần Dẫn nhập của cuốn sách này.
Leave A Comment